Có một điều không ai có thể phủ nhận rằng: Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới, sách chứa đựng vô vàn điều thú vị, dạy cho chúng ta những kiến thức bổ ích, những bài học đầy sâu sắc cũng như giúp ta tích lũy được vốn từ rất phong phú. Sách có vai trò, tầm quan trọng với đời sống xã hội, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển kiến thức, giáo dục, kỹ năng tư duy và rèn luyện nhân cách của con người.
Đọc sách có chọn lọc và hiểu hết các giá trị trong mỗi cuốn sách sẽ giúp người đọc ngày càng phát triển được bản thân. Đặc biệt là đối với các bạn học sinh ai cũng đã từng đọc và có cho mình một cuốn sách mà mình yêu thích. Trường TH Số 1 Ngô Mây xin được giới thiệu cuốn sách truyền cảm hứng của tác giả Yunan, cuốn sách có tựa đề “Mẹ không phải người giúp việc”!
Cuốn sách “Mẹ không phải là người giúp việc” nguyên tác là “Mom is not my servant” - nằm trong bộ sách Những câu chuyện truyền cảm hứng, được biên soạn bởi tác giả Yunan – được tác giả Lam Tuyền biên dịch. Sách được in theo khổ 14.5 x 20.5cm được nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2023, gồm 212 trang sách với 40 câu chuyện khác nhau, mỗi câu chuyện là những bài học để rèn luyện thói quen, đức tính tốt sau đó là những thông điệp mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc.
Từ tên cuốn sách đã thấy có sức hút đối với mỗi bạn học sinh “tuổi teen” một cái tên gợi sự tò mò, thắc mắc cần giải đáp và cả sự nghĩ ngợi sâu xa về vai trò của người mẹ, trách nhiệm và bổn phận của người con trong gia đình. Không chỉ có 40 câu chuyện trong sách, phần lớn mang những nhan đề giản dị nhưng rất giàu ý nghĩa. Chẳng hạn: “Đợi chờ cuộc sống; Lao động là vinh quang; Kiên trì cho ta viên ngọc sáng; Tự kiểm điểm để tìm ước mơ; Năm năm sau bạn làm gì?; Thoát khỏi tư duy rập khuôn”… Thú vị hơn là, mỗi nhân vật trong cuốn sách này đều gắn với những câu chuyện rất riêng về quá trình học tập và rèn luyện của bản thân mình. Để rồi khi đọc xong, các em nhận ra rằng: Trên con đường trưởng thành, nếu biết tự nhận thức bản thân, hiểu rõ mục tiêu phát triển của mình, biết bồi đắp lòng tự tin, dám đối mặt với thử thách và kiên trì phát huy năng lực bản thân, mỗi chúng ta đều có thể thực hiện được ước mơ và trở nên tốt đẹp hơn, thành công hơn. Xin kính mời toàn thể bạn đọc cùng khám phá một số câu chuyện đầy tính giáo dục và ý nghĩa nhân văn trong cuốn sách này!
Các bạn học sinh thân mến! Có lẽ nhiều bạn đã từng có lúc đặt cho mình những câu hỏi: sau này chúng ta sẽ làm được gì? Một câu chuyện rất ý nghĩa trong cuốn này có tựa đề “Năm năm sau bạn làm gì?” cũng có nhân vật chính trong truyện từng tự hỏi như thế và ước muốn 5 năm sau trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Một người bạn thông minh đã chỉ cho nhân vật cần phải thực hiện giấc mơ bằng những hành động cụ thể ngay từ lúc bắt đầu mơ ước và khi làm theo lời người bạn, nhân vật của chúng ra đã thành công. Vâng! Trong cuộc sống này, nếu chúng ta biết vạch ra mục tiêu, kế hoạch cho mình, thay vì chỉ nghĩ đến mục tiêu xa xôi, lớn lao, mỗi chúng ta hãy đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn để từng bước tiến tới cái đích mà chúng ta hướng đến! Khi ấy, chắc chắn chúng ta sẽ thành công!
Một câu chuyện khác có nhan đề “Đợi chờ cuộc sống” lại cho chúng ta một bài học về xử lí những vấn đề trong cuộc sống. Đây là câu chuyện kể về nhân vật chính là một người cực kì nghiêm túc, khó tính và đặc biệt đúng giờ nên dễ nổi nóng khi phải chờ đợi. Một lần trên đường đi làm, do đoạn đường đang sửa chữa chưa thông nên mọi phương tiện đều phải dừng lại để chờ. Nhân vật của chúng ta tỏ ra vô cùng khó chịu khi được biết phải chờ khoảng nửa giờ. Chính lúc đó, ông có dịp quan sát thấy dòng thác bạc đổ xuống từ trên núi, hòa với nền trời thu xanh biếc, ông cũng nhớ tới những câu chuyện vui với bạn bè những khi rảnh rỗi và ông vui vẻ trò chuyện với những người xa lạ cũng đang chờ đợi như mình. Khi thông đường, nhìn đồng hồ ông mới nhận ra mình đã chờ đến tận 55 phút nhưng thật ngạc nhiên, ông đã không khó chịu về điều đó. Như vậy, thông điệp mà câu chuyện mang đến cho chúng ta là khi đối mặt với vấn đề trong cuộc sống, hãy bình tĩnh, nhẫn nại, biết quan sát và lắng nghe. Đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, xua tan sầu não, mang lại niềm vui sống cho bản thân và mọi người xung quanh.
Cuốn sách “Mẹ không phải người giúp việc” như hồi chuông đánh thức tình yêu thương trỗi dậy trong mỗi bạn trẻ, như dòng sông tắm mát trái tim nhân hậu đang khô cằn, như luồng ánh sáng soi chiếu đức tính tự lập, kiên nhẫn, óc sáng tạo đang chìm trong bóng đêm. Có thể nói rằng mỗi một câu chuyện trong cuốn sách là một làn gió mới giúp mỗi chúng ta nhận thức giá trị sống từ đó có thể thay đổi hành vi để trở thành những người tự lập, quyết đoán, yêu thương, chân thành, sống có mục tiêu, lý tưởng và hoài bão. Trong cuốn sách đầy ý nghĩa nhân văn này, câu chuyện đã để lại nhiều cảm xúc nhất đó là “Món quà sinh nhật”; Không giống những món quà sinh nhật bình thường, mà là một món quà tinh thần đong đầy tình yêu thương. Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương của một người mẹ nghèo dành cho cậu con trai vốn luôn phải nằm trên giường bệnh tên là Poirot. Gần đến ngày sinh nhật con trai, bà gửi một bức thư đến một chương trình Poirot yêu thích trên Đài phát thanh, nhờ họ gửi lời động viên và lời chúc mừng sinh nhật tới Poirot. Nhưng, thật không may mắn, chương trình đó đã từ chối và gửi lại phản hồi cho bà. Lá thư phản hồi được bưu tá mang đến đúng lúc bà vắng nhà, và chính Poirot là người nhận được lá thư đó, tò mò nên cậu bé đã bỏ ra đọc. Hiểu được tình yêu mẹ dành cho mình nên Poirot đã giấu lá thư phản hồi đó đi. Đến ngày sinh nhật, cậu bé đã nói dối người mẹ là mình đã nhận được lời chúc đầy ý nghĩa từ trên đài phát thanh và sà vào lòng nói lời cảm ơn mẹ. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh vô cùng xúc động khi có cả nụ cười và nước mắt hạnh phúc của hai mẹ con Poirot! Điều đó khiến người đọc cảm nhận được cả tình mẫu tử lớn lao, vĩ đại của người mẹ nghèo và tấm lòng hiếu thảo của Poirot. Qua câu chuyện chúng ta cần phải ghi nhớ rằng:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”
Tình cha nghĩa mẹ như mạch nước nguồn trong trẻo và không bao giờ vơi cạn. Vì thế, chúng ta hãy luôn quan tâm, yêu thương cha mẹ thật chân thành, bạn nhé!
Bằng trải nghiệm của bản thân, chúng ta nhận thấy những câu chuyện trong cuốn sách “Mẹ không phải người giúp việc” được lựa chọn chau chuốt, cẩn thận, thực sự phù hợp đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ nội dung và những thông điệp được chuyển tải qua mỗi câu chuyện, tác giả đã thầm nói lên mong muốn cuốn sách sẽ trở thành một "công cụ đắc lực" trong việc giúp các bạn trẻ nhận thức giá trị sống, biết điều khiển hành vi trở nên tích cực để ứng phó với thay đổi trong cuộc sống. Đặc biệt là thông điệp đừng để tình yêu thương của cha mẹ biến cha mẹ thành "người giúp việc" của chúng ta.
1. Những câu chuyện truyền cảm hứng: Cha mẹ không phải là người giúp việc/ Lam Tuyền dịch.- H.: Văn học, 2023.- 99tr.: hình vẽ; 21cm. Chỉ số phân loại: 895.1 LT.NC 2023 Số ĐKCB: TN.02366, TN.02367, TN.02368, TN.02369, |
Còn rất nhiều câu chuyện, những bài học trong cuốn sách “Mẹ không phải là người giúp việc” hay và ý nghĩa mà khi đọc, mong rằng bạn sẽ biết bạn là ai, bạn có thể làm gì, bạn nên làm gì và bạn có thể đặt ra những mục tiêu gì cho tương lai. Bạn sẽ thay đối suy nghĩ và hành động tích cực, đồng thời sống có trách nhiệm trong gia đình và xã hội. Vì thế, các bạn hãy tìm đọc, suy ngẫm và cùng nhau hành động vì tương lai tươi sáng của mỗi chúng ta, các bạn nhé!!
Ngô Mây, ngày 1 tháng 09 năm 2023
Người viết Hiệu trưởng
Nguyễn Thị Vân Hồ Thị Thuý Nhung